

Eo Gió tọa lạc ở phía đông của cụm đảo Cù Lao Chàm, cách khu dân cư Bãi Làng khoảng 3km. Đây là một điểm đến mà du khách khó lòng bỏ qua nếu muốn tìm một nơi đón bình minh lên hoặc ngắm hoàng hôn buông xuống. Eo Gió được bao bọc bởi núi non xanh biếc và biển trời rộng mênh mông, vô tận. Nơi đây như bức tường thành, bảo vệ ngư dân vững chân bám biển.

Giếng cổ 200 năm mang đặc trưng của giếng Chăm cổ, được đặt trong khu dân cư Xóm Cấm. Với bốn bề là biển, đây là nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Người dân địa phương truyền miệng rằng uống nước giếng có thể chữa say sóng hoặc cầu duyên, sinh con theo ý muốn. Vì vậy, nơi đây đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn khi du khách đến với hòn đảo xinh đẹp này.

Chùa Hải Tạng tọa lạc ở chân núi phía Tây Hòn Lao, nhìn ra cánh đồng rộng lớn. Dù thiên nhiên khắc nghiệt, chùa vẫn tồn tại nguyên vẹn suốt hàng trăm năm. Ngôi chùa cổ linh thiêng này đã trở thành một biểu tượng của hòn đảo, đi vào tiềm thức của người dân nơi đây. Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu thêm về lịch sử, bái Phật, vãn cảnh chùa, mong cầu bình an và giữ cho tâm thanh tịnh.

Hoa ngô đồng ở đây nở rộ nhất vào cuối hạ – đầu thu (khoảng tháng 7 – tháng . Vào mùa hoa nở rộ, đi dọc theo còn đường Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Hương, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn hoa ngô đồng bừng nở sắc hoa đỏ thắm. Bất chấp mưa gió khắc nghiệt, những cây ngô đồng vẫn mạnh mẽ vươn lên như ý chí kiên cường của người dân miền Trung trước nắng mưa, thử thách.

Miếu Tổ nghề yến là công trình kiến trúc quy mô, được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. Miếu tọa lạc trên gò cát cạnh khe Cây Cừa, thuộc Bãi Hương. Vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, lễ tế Tổ nghề khai thác yến sào được tổ chức long trọng tại miếu, cầu mong cho nghề yến ngày càng phát triển. Du khách có thể đến tham quan nơi đây vào dịp này để hiểu hơn về tín ngưỡng độc đáo của người dân ở đây.